Lạp sườn hay còn được gọi là lạp xưởng – một trong những món ăn được chế biến sẵn được làm từ thịt lợn, mỡ lợn cùng một chút rượu, đường, muối và các loại gia vị khác được nêm nếm kèm theo cho món ăn được tròn vị.
Đầu tiên, muốn làm được món lạp sườn thành công thì các bạn chuẩn bị một chai rượu mai quế lộ trước khi làm món ăn này ít nhất 2 tuần. Hãy dùng một chai rượu trắng với nồng độ từ 40 đến 45 độ (có thể dùng rượu vodka để làm), với dung tích 750ml ngâm cùng với 2 quả thảo quả, 1 nhánh quế to, 10 bông hồi, 1 thìa to tiêu hạt và vỏ 1 quả quýt phơi khô.
Đem tất cả nguyên liệu đi rửa sạch, sau đó cho vào chảo rang lên khi nào ngửi thấy mùi thơm của nguyên liệu là được. Thả toàn bộ nguyên liệu đã được rang này vào chai rượu rồi đóng chặt nắp, và để nơi thoáng mát, tránh ánh sáng quá mạnh.
Lưu ý rằng thảo quả sau khi rang xong thì đập dập ra cho thơm hơn. Sau 2 tuần ngâm là rượu có thể bắt đầu dùng được rồi.
Nguyên liệu để làm lạp sườn
– Thịt nạc: 500g (tùy theo lượng lạp xưởng bạn muốn làm)
– Mỡ phần: 100g (tùy theo khẩu phần ăn ưu thích của gia đình)
– Rượu mai quế lộ: 150ml
– Đường trắng: 60g
– Lòng non: 1,5 đến 2 mét
– Tỏi và hành: mỗi loại 1 củ
– Tiêu: 5g
– Bột canh: 10g
– Bột tỏi: 5g
– Bột xá xíu: 10g
– Giấm, muối hạt to
– Cắt bỏ nửa chai lavi dung tích 500ml làm phễu để nhồi nhân vào lòng nếu bạn không có dụng cụ nhồi chuyên dụng.
Cách làm lạp sườn
– Mỡ lợn sau khi rửa sạch, lau khô rồi thái hạt lựu ra, trộn chung với 50g đường, trải mỏng ra mâm, rồi mang phơi nắng khoảng từ 6 đến 8 giờ cho mỡ được trong hơn và ngấm đường. Nếu không có nắng thì có thể đem cho vào lò sấy ở nhiệt độ 40 độ với thời gian tương tự như trên.
Nếu làm lạp sườn vào mùa đông dùng máy sưởi thì bạn có thể để mâm mỡ cạnh máy sưởi và để qua đêm là dùng được (hong cho đến khi miếng mỡ trong lại).
– Hạt tiêu đem rang lên cho thơm và dùng bạt dao đập cho vỡ nhỏ ra. Hành và tỏi khô băm nhỏ ra. Xay thịt nạc nhỏ rồi sau đó trộn cùng với phần mỡ đường đã được hong đến trong ở trên cùng 50ml rượu, 10g đường và hạt tiêu, hành, tỏi, bột xá xíu, bột tỏi, bột canh.
Trộn đều và bóp cho ngấm đều gia vị, sau đó bọc kín, rồi để ngăn mát tủ lạnh khoảng 30-60 phút.
– Lộn mặt trái của lòng non, đặt đoạn lòng đã lộn lên thớt phẳng rồi dùng thìa cạo nhẹ lớp màng trắng bên trong. Rửa sạch lòng non bằng nước lạnh. Sau đó cho muối và giấm vào bóp kỹ, rồi tiếp tục xả lại bằng nước lạnh.
Cuối cùng là cho 50ml rượu mai quế lộ vào lòng non và bóp kỹ lần nữa, cũng xả sạch bằng nước lạnh rồi lộn lại mặt để cho ráo nước. Dùng chỉ buộc chặt một đầu phần lòng non lại.
– Hỗn hợp thịt đã được ướp đủ thời gian thì mang ra nhồi vào phần lòng đã được để ráo và buộc đầu. Buộc đầu còn lại của đoạn lòng vào miệng chai nhựa đã được cắt 1 nửa để nhồi cho dễ.
Dùng đũa để chọc cho thịt dễ lọt vào phần lòng. Sau khi nhồi xong thì chia lòng và buộc lại thành từng đoạn tuỳ ý và dùng kim xiên mỗi đoạn lòng từ 4 đến 5 nhát để cho nó có lỗ thoát hơi trong quá trình lên men tự nhiên.
Hoặc bạn có thể chia phần lòng non thành từng đoạn khoảng 20cm ngay từ đầu cho tiện nhưng lại tốn thời gian trong công đoạn nhồi và buộc hơn. Không nên nhồi chặt quá vì khi thịt lên men sẽ bị vỡ phần lòng bọc ngoài.
– Cuối cùng bạn dùng chổi để quét nốt 50ml rượu mai quế lộ còn lại ra bên ngoài các đoạn lạp sườn để khử trùng cũng như giúp bảo quản lạp sườn tốt hơn. Mang lạp sườn ra sân phơi nắng tầm 3 ngày, đến tối bọc kín cất ngăn mát tủ lạnh.
– Nếu trời không có nắng thì các bạn mang vào lò và bật 40 độ, nên để hé cửa lò, sấy từ 8 đến 10h là đạt. Nếu muốn để ăn lâu vài tháng thì các bạn cất món ăn trong ngăn đá. Khi ăn chiên hoặc hấp đều rất thơm và ngon.
* Lưu ý rằng: làm lần đầu các bạn giữ nguyên công thức để thạo tay làm, các lần sau thì có thể tuỳ ý gia giảm mặn ngọt theo khẩu vị gia đình. Lúc phơi nắng nếu có ruồi xung quanh thì cần phủ lớp khăn xô để bảo vệ món ăn sao cho hợp vệ sinh.