Tổng hợp 25 món ăn dân dã miền Tây Nam Bộ nổi tiếng ăn là ghiền

Chỉ cần nhắc đến vùng đất miền Tây sông nước bạn sẽ nghĩ ngay đến những con người chân chất, giản dị và cực kì hiếu khách đúng không nào. Mỗi khi có dịp ghé đến nơi đây bạn sẽ luôn phải no căng bụng với những món đặc sản độc đáo của miền Tây Nam Bộ nổi tiếng, lạ miệng và gây thương nhớ không thôi. Hôm nay cùng Tửu lầu Nam Định tổng hợp 25 món ăn dân dã miền Tây Nam Bộ nhé!

1. Bún mắm

Nhắc đến đặc sản miền Tây có gì ngon thì có lẽ phải kể đến đầu tiên đến là món bún mắm nổi tiếng khắp vùng Châu Đốc – An Giang. Ngon đến mức mà món ăn này đã phổ biến rộng rãi khắp vùng miền đất nước và luôn xuất hiện trong những lễ hội ẩm thực đặc sắc của Việt Nam.

Đi ngang những cửa hàng bún mắm bạn sẽ nhận ra mùi thơm lừng của mắm cá linh mà khiến cho bạn không kìm chân được mà ghé vào để thưởng thức. Tô bún mắm bày ra đặc sắc với phần heo quay giòn giòn, tôm và mực tươi mềm ngọt, có thể thêm những lát cá basa và cá hú béo ngậy.

Hương vị hấp dẫn này đến cả những khách hàng khó tính nhất thậm chí là du khách nước ngoài cũng phát mê, đặc biệt những “fan cuồng mắm” thì chỉ có say đắm quên cả lối về.

2. Mắm kho

Bạn đã từng thưởng thức món mắm kho nức danh của người miền Tây chưa? Đảm bảo sẽ làm bạn ghiền ngay đó. Món ăn được kết hợp giữa mắm cá linh và cá sặc với định lượng vừa đúng được kho cùng thịt heo, tôm và cá saba hoặc cá hú. Nước kho sẽ lỏng chứ không sệt kẹo như người miền Trung, chấm cùng với rau sống thì ngon thôi rồi.

3. Đuông dừa

Vùng đất miền Tây Nam Bộ nổi tiếng nhất với món đuông dừa đặc biệt là tạo Bến Tre, món ăn có dinh dưỡng cao, lại thơm ngon nhưng không phải ai cũng đủ can đảm để nếm thử chúng. Những con đuông dừa còn ngọ ngậy béo tròn mà nhìn thôi cũng thấy sợ không dám ăn rồi.

Tuy nhiên những thực khách một khi đã từng thử qua thì ai cũng sẽ ngạc nhiên không thôi bởi không hề khó ăn như khi tưởng tượng. Đuông dừa béo ngậy, vị ngọt nhẹ mềm mềm chắc phải ăn liền chục con mới đã cơn thèm đó.

Người miền Tây dùng đuông dừa chế biến các món nướng, chiên bột, xào hay trộn gỏi,… Ngoài ra, đuông dừa tắm nước mắm là một món ăn cũng đem đến cho bạn một cảm giác lạ miệng, gây nghiện nhưng phải can đảm mới thử được món này.

4. Chuột đồng

Một trong những món đặc sản dân dã nổi tiếng phải được kể đến chính là chuột đồng; nhưng chính món ăn này không phải ai cũng dám thử đâu nhé. Tuy nhiên, nếu đã được nếm qua thì cái hương vị thơm lừng, thịt dai ngọt sẽ làm bạn nhớ mãi không quên hương vị, thậm chí là thòm thèm món đặc sản Đồng Tháp này đấy nhé. Miền Tây sở hữu vựa lúa lớn nhất nhì nước ta vì vậy mà chuột đồng nhiều vô số kể, những con chuột chuyên đi ăn lúa này thịt sẽ rất sạch, ngọt dai lại rất thơm ngon. Trong đó, vùng đặc sản về chuột đồng chính là vùng Cao Lãnh – Đồng Tháp.

Những con chuột béo mập được bắt và được chế biến với những món nướng, xào sả ớt, xào lăn,… mà món nào cũng thơm lừng, hương vị hấp dẫn, nhâm nhi với vài ly rượu thì chẳng chỗ nào chê được.

5. Bún cá Châu Đốc

Đến với Châu Đốc – An Giang mời bạn ghé thăm thưởng thức tô bún cá nóng hổi, được chính những con người miền Tây thật thà, chất phác tiếp đãi thì ấm cả cái bụng lẫn tâm đó.

Món ăn được hòa quyện với những hương vị, nguyên liệu đậm chất miền Tây, nguyên liệu được lựa chọn là những con cá lóc béo mập, chắc thịt nêm nếm vừa vị, nấu cùng nồi nước ngọt thanh. Thả vào tô bún những nguyên liệu khác như: bông điên điển vàng, rau nhút, rau răm,… cực ngon và hấp dẫn. Những ai chưa ăn phải thử món ăn này ngay nhé còn những ai đã được thưởng thức qua chắc chắn nghĩ đến thôi cũng đã thèm thuồng rồi đúng không nào.

6. Gà nướng đất sét

Gà nướng đất sét hay còn gọi được là “gà cái bang” cái tên nghe là lạ, dân dã vậy mà khi thưởng thức bạn sẽ không thể quên được hương vị đậm đà, thịt gà thơm lừng mềm ngọt hấp dẫn đâu. Một món ăn đơn giản với cái tên rất đỗi mộc mạc này mà lại không hề thua kém những món sơn hào hải vị đâu nhé.

Thịt gà được làm sạch và nhồi vào bụng những nguyên liệu như sả, gừng, lá chanh, các gia vị,… rồi bó chặt với lại với lá chuối, đắp bên ngoài lớp đất sét rồi nướng trui. Sau khi nướng chín, chỉ cần đập bể lớp đất sét là đã dậy lên cái mùi thơm lừng khiến cái bụng của bạn cũng phải sôi lên. Hãy thử ăn như người miền Tây chân chất nhé, chẳng cần chặt xếp gì đâu, trực tiếp cầm tay xé từng miếng gà rồi chấm với muối tiêu chanh. Đảm bảo cái hương vị sẽ làm bạn nhớ mãi đấy.

7. Cá lóc nướng trui

Cá lóc được mọi người biết đến với phần thịt mềm ngọt, thịt cá hiền, ít gây dị ứng nên được rất nhiều người yêu thích. Tại vùng miền Tây sông nước thì cá lóc lại còn đa dạng hơn nữa, bạn sẽ dễ dàng tìm và thưởng thức những món ăn được chế biến từ con cá lóc đồng chắc thịt, dai ngọt hấp dẫn.

Cá lóc được chế biến với nhiều món như xào, hấp, chiên,… nhưng đặc sản nơi đây mà bạn phải thử một lần chính là món cá lóc nướng trui. Cá được làm sạch, sau đó được dúi vào đống rơm đang bùng cháy đỏ rực và nướng cho đến khi phần da và vẩy cá xém nâu đen thì đem ra đập rồi gạt bỏ lớp cháy đấy và thưởng thức. Thịt cá không cần tẩm ướp nhiều nên bạn có thể cảm nhận được vị ngọt tự nhiên của thịt cá, chấm kèm mắm nêm và chút ít rau sống và bún tươi hay nhâm nhi cùng vài ly rượu thì ngon hết ý.

8. Gỏi củ hủ dừa

Miền Tây nổi tiếng được biết đến là vùng đất với những hàng dừa trĩu nặng quả, đặc biệt là vùng đất Bến Tre. Nơi này níu chân biết bao nhiêu du khách đến nơi đây với món gỏi củ hủ dừa trứ danh mà ai thử qua món ăn cũng phải thương nhớ không quên. Phần lõi non trắng bên trong cây dừa chính là củ hủ dừa có vị ngọt nhẹ, giòn giòn, thơm thơm. Sử dụng nguyên liệu này trộn cùng với thịt luộc, tôm, rau củ thêm bí quyết pha nước mắm chua ngọt đậm đà rồi trộn đều lại với nhau. Thưởng thức vị giòn giòn của củ hủ dừa, vị ngọt dai của tôm thịt chua chua ngọt ngọt của nước trộn gỏi cắn thêm cái bánh phồng tôm nữa thì ngon không cưỡng được. Về miền Tây phải thử ngay món ăn này bạn nhé!

9. Lẩu cá linh bông điên điển

Cá linh không chỉ được dùng làm nguyên liệu để làm mắm mà còn có thể nấu lẩu vô cùng ngon đó. Nếu đến nơi đây và được một người bạn miền Tây đãi cho nồi lẩu cá linh bông điên điển thì ấm lòng phải biết. Vị lẩu ngọt thanh, những con cá linh béo béo kết hợp với bạc hà, kèo nèo, cọng súng, bông điên điển,… sẽ làm bạn phải vừa ăn vừa xuýt xoa khen ngợi đấy.

10. Gỏi xoài khô cá sặc

Khi kể đến những đặc sản dân dã miền Tây thì chắc chắn phải nhắc đến món gỏi xoài khô cá sặc, mà chỉ nghĩ thôi cũng làm bạn phải thèm rồi. Cái vị của  xoài chua chua, pha thêm nước mắm trộn gỏi chua ngọt rồi trộn cùng với khô cá sặc mằn mặn, dai dai. Từng hương vị hài hòa khéo léo này làm xiêu lòng biết bao nhiêu người từng thưởng thức qua món ăn này. Du lịch miền Tây mà không gọi ngay món gỏi này để thưởng thức là uổng lắm đấy nghen. Mà lỡ có nhớ thương món ăn ngon này thì rinh vài con khô cá sặc về nhà rồi tham khảo công thức để tự tay trộn gỏi chiêu đãi gia đình nhé.

11. Cá kho tộ

Mùa nước nổi ở miền Tây thì nhà nào cũng sẽ có một nồi cá kho tộ thơm lừng, đậm vị và rất tốn cơm đấy nhé. Thịt cá mềm mềm ngọt cùng gia vị kho cay cay đậm đà, ăn kèm thêm chén cơm nóng thì chẳng có cao lương mỹ vị nào sánh bằng được đâu.

12. Bánh xèo

Về miền Tây thì bạn sẽ khá bất ngờ với những chiếc bánh xèo to thật to mà phải đổ bằng chảo lớn với phần nhân đa dạng đầy ú ụ nào là thịt, tôm, nấm, giá, mực,… Đặc biệt, vỏ bánh phải có độ mỏng vừa, vàng ươm và giòn rụm, ngon ngất ngây. Miền Tây ít khi dùng bánh tráng để cuốn ngoài bánh xèo mà thay vào đó là các loại rau ăn kèm như: rau cải, xà lách, lá cách, xoài,… Chấm cùng chén nước mắm mặn ngọt rồi cắn cuốn bánh xèo to mập ú mà cảm nhận vị giòn, vị béo, mằn mặn hài hòa cũng như sự thanh mát của rau ăn kèm. Cứ ngỡ rằng những chiếc bánh xèo khổng lồ như vậy sẽ làm bạn ngán sau khi ăn 1 chiếc vì dầu mỡ nhưng thử một lần chắc chắn sẽ làm bạn yêu thích “xử gọn” cả chiếc bánh đó.

13. Bánh giá chợ giồng

Mỗi vùng ở miền Tây đều có những đặc sản riêng, khách du lịch xuôi về đây thì có dành cả ngày ra thì cũng không thưởng thức hết những món đặc sản bén vị nơi này. Nếu có dịp ghé ngang qua Gò Công – Tiền Giang thì mời bạn dừng chân lại để thưởng thức món bánh giá chợ Giồng nổi tiếng lâu đời tại nơi này nhé. Cách chế biến món ăn cũng vô cùng lạ đó nha, dùng những chiếc vá để định hình khuôn bánh; múc đầy 1 vá bột, thêm vào phần nhân đa dạng như tôm, thịt, nấm,… thả vá xuống chảo ngập dầu nóng rồi chiên cho đến khi bánh được chín vàng giòn. Xếp đầy những chiếc bánh tròn tròn nhỏ xinh ngộ ngĩnh ra đĩa, pha thêm chén nước chấm mặn ngọt thì ôi chao khó mà ngừng ăn được.

14. Canh chua cá

Món canh chua cá lấy lòng nhiều thực khách với cái vị thanh thanh chua chua hòa quyện cùng với phần thịt cá béo ngọt, giá, bạc hà, đậu bắp,… giòn giòn, thơm thơm; và nguyên liệu không thể thiếu chính là những vắt me tạo nên độ chua hấp dẫn của nước dùng. Nổi tiếng tại nơi đây là canh chua cá lóc, canh chua cá diêu hồng,… tuy nhiên bạn cũng có thể kết hợp nhiều loại cá khác nhau để nấu cũng vô cùng ngon đó nha.

15. Cháo cá lóc

Món cháo cá lóc thơm thơm, beo béo sẽ giúp bạn ấm bụng những ngày mưa hay đang bị cảm, bệnh mà có tô cháo cá lóc thì mệt mấy cũng nhanh chóng khỏe lại. Thưởng thức cháo cá lóc đậm chất miền Tây bạn sẽ ngạc nhiên khi họ ăn kèm cùng rau đắng, tạo nên một hương vị mới lạ, hấp dẫn. Rang gạo cho đến khi vàng thơm, phi lê phần cá lóc rồi nấu cùng với nấm rơm. Những hạt gạo được ninh nhừ, thịt cá lóc mềm ngọt thêm ít rau đắng nữa là níu chân biết bao thực khách đó. Thử trổ tài cho gia đình của bạn món ăn hấp dẫn này ngay tại căn bếp nhà mình nhé.

16. Gỏi ba khía

Về miền Tây nhìn những mâm ba khía sống hay mắm ba khía đầy ú nụ là bạn sẽ nghĩ ngay đến món gỏi ba khía mà chỉ cần nghĩ đến thôi đã thòm thèm đó. Món gỏi ba khía trứ danh của người dân miền Tây thêm đặc biệt hơn bởi nước trộn gỏi chính là từ mắm ba khía được giã nhuyễn vắt lấy nước cốt. Trộn cùng với những con ba khía mập ú, thêm ít đu đủ giòn giòn nêm nếm vị mặn ngọt hài hòa rồi thêm hành phi, đậu phộng trộn cùng rồi chén ngay thôi. Đảm bảo món gỏi ba khía này sẽ làm mê đắm ăn không ngừng được. Có đi du lịch miền Tây nhớ mang ít mắm ba khía về rồi trộn gỏi ngay với công thức mà Tửu lầu Nam Định gợi ý đó nha.

17. Cá tai tượng chiên xù

Món cá tai tượng chiên xù thường có mặt khắp ở các quán ăn, nhà hàng nơi đây với những con cá hay lát cá được người đầu bếp chiên giòn, xù cả vẩy lên, được chấm với mắm nêm hay mắm chua ngọt thì bao ghiền bao đã. Món ăn không chỉ xét đến hương vị ngon là đạt, nếu bạn khéo léo bày trí món ăn cho thật đẹp thì món cá tai tượng này sẽ đạt điểm tuyệt đối làm gia đình bạn phải tấm tắc khen hoài đó.

18. Chuối nếp nướng

Món chuối nếp nướng được xem như là một món ăn vặt gắn liền với tuổi thơ của nhiều người nơi đây. Đi ngang những gian hàng mộc mạc này bạn sẽ ngửi thấy một mùi thơm lừng, beo béo của nếp, dừa và chuối làm bạn không thể kìm lòng mà dừng chân lại thưởng thức. Những phần chuối nếp được bọc bằng lá chuối rồi được nướng trên bếp than cho vỏ nếp vàng ươm mà chỉ cần nhìn thấy thôi cũng sẽ làm bạn muốn ăn ngay. Món quà vặt dân dã bình dị  này khi thưởng thức bạn sẽ cảm nhận ngay được phần nếp bọc bên ngoài dai dai thơm thơm vị nếp được trộn với cốt dừa beo béo. Bên trong nhân là những miếng chuối chua chua, ngọt ngọt siêu hấp dẫn, chan thêm miếng nước cốt dừa và đậu phộng rang béo ngậy thì ngon đến xuýt xoa đó.

19. Kho quẹt

Bạn có công nhận một điều rằng cao lương mỹ vị cũng không bằng một cái nồi kho quẹt đậm đà, mằn mặn với tôm khô, tóp mỡ dậy vị không nào? Mà được ăn kèm với chén cơm trắng, rau luộc hay một miếng cơm cháy thì nghĩ thôi cũng đã phát thèm lên được. Kho quẹt không chỉ là một món xuất hiện trong mâm cơm gia đình thường gày mà hiện nay còn trở thành món ăn vặt kéo khách ở khắp các con phố, ngõ hẻm khắp vùng miền trên cả nước. Kho quẹt trong nồi đất với nước sốt sền sệt mặn ngọt giúp bạn chén sạch nồi cơm đó.

20. Hủ tiếu Sa Đéc

Hủ tiếu là chính món ăn thường thấy của người miền Tây Nam Bộ với đa dạng hương vị và cách nấu món ăn tùy theo vùng miền. Trong đó, hủ tiếu Sa Đéc nổi tiếng đến nỗi thực khách nào du lịch qua đây cũng đã một lần nếm thử qua món ăn này. Tô hủ tiếu nóng hổi, nước lèo ngọt thanh được hầm từ xương nấu cùng với thịt heo, xá xíu, tôm tươi, gan,… cho thêm tí tương ớt, tương cà giúp dậy mùi hơn thì hết ý. Đảm bảo món ăn này sẽ lấy lòng kể cả những thực khách khó tính nhất đến thưởng thức đó.

21. Bánh tằm bì

Ghé qua Bạc Liêu thì nên thưởng thức món ăn gì gì? Chắc chắn là đừng nên bỏ qua món bánh tằm bì nha, vị cực lạ miệng lại cực ngon sẽ làm bạn nhớ mãi đó. Những sợi bánh tằm trắng trắng mềm mềm được hình thành với nhiều công đoạn chế biến công phu, pha trộn giữa bột gạo và bột nếp với công thức tiêu chuẩn. Người miền Tây nói rằng bánh tằm ăn ngon là do cách pha bột và se bánh, mà se bánh phải bằng tay thì mới chuẩn vị của món ăn được. Điểm độc đáo là ngoài việc ăn bánh tằm với nước mắm mặn ngọt thì cũng được dùng nước cốt dừa béo béo chan vào ăn kèm với thính, da heo, thịt nạc tạo nên một hương vị lạ miệng, thơm béo mà thử là phải ghiền.

22. Gỏi sầu đâu

Bạn đã từng dùng lá sầu đâu để làm nguyên liệu trộn gỏi chưa? Món gỏi sầu đâu của người dân miền Tây đảm bảo sẽ làm bạn thích mê nếu đã từng thử qua đó. Được kết hợp với khô cá mằn mặn, xoài sống cùng với lá sầu đâu trộn đều, nhai thật kĩ bạn sẽ cảm thấy vị sầu đâu nhẫn đắng hài hòa với vị chua chua của xoài tạo nên một hương vị tinh tế và hấp dẫn.

23. Cá kèo nướng muối ớt

Những món nướng luôn đem đến một hương vị thơm ngon, dậy mùi hấp dẫn không thể cưỡng lại được. Những con cá kèo béo mập, ngọt thịt được sơ chế, tẩm ướp với muối ớt mằn mặn cay xè rồi xiên que và nướng chín dậy mùi. Vị cay cay hòa với thịt cá mềm ngọt, ăn kèm thêm với dưa leo, xà lách, rau thơm,… rồi nhâm nhi thêm vài lon bia thì không còn gì bằng.

24. Chè bà ba

Những tín đồ ưa ngọt thì không thể chưa thử qua món chè bà ba hấp dẫn này được đâu nhé. Cách làm món ăn này thì hơi công phu vì món chè này kết hợp với nhiều nguyên liệu: đậu phộng, đậu xanh, khoai,… thêm vào là nước cốt dừa thơm béo, thử thôi là đã ghiền. Thử trổ tài ngay tại căn bếp nhà bạn món chè bà ba với cách nấu lạ miệng của người miền Tây ngay dưới đây nhé, chắc chắn không ai mà không thích mê món ăn này đó.

25. Chè bánh lọt

Món chè bánh lọt ở miền Tây sông nước có vị ngọt béo từ nước cốt dừa, phần bánh lọt được pha từ bột nặng bột gạo, thêm màu sắc xanh đỏ bắt mắt. Thử qua miếng bánh lọt mềm mềm, thêm chút đậu đỏ hoặc đậu đen bùi bùi hấp dẫn lại thơm lừng mùi lá dứa chắc chắn ai cũng sẽ say mê mà thôi. Món chè này cũng dễ nấu lắm đó, bạn có thể trổ tài ngay tại nhà chiêu đãi gia đình với công thức mà chúng tôi giới thiệu ngay dưới đây nhé!

Qua bài viết này hy vọng bạn sẽ hiểu thêm về những món ăn dân dã miền Tây Nam Bộ hấp dẫn, độc đáo. Hẹn gặp bạn ở những chuyên mục khác nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

24  +    =  28

0916009788
challenges-icon chat-active-icon