Đậm đà tép “nhủi” quê nghèo

Thuở trước, quê tôi là một vùng đất phía nam Quảng Ngãi nghèo xác xơ. Bữa cơm ngày đó chỉ có cơm độn khoai lang, khoai mì cùng những thức ăn đồng quê như: cá đồng, tôm, tép… Những lúc rảnh rỗi, bà con thường í ới nhau mang nhủi ra đồng để bắt những con cá nhỏ, tôm, tép mang về để bữa ăn trong gia đình thêm phong phú.

Nhủi là một dụng cụ đánh bắt với thanh tre được chẻ nhỏ bện cùng mây rừng gắn với miếng gỗ phía trước và hai đoạn tre phần ngọn làm tay đẩy.

Người dân quê đưa nhủi xuống nước rồi khom lưng đẩy về phía trước. Lát sau, dừng lại nhặt rác ra rồi nhấc cao đầu nhủi phía trước cho tôm, tép, cá con có thể rơi vào chiếc giỏ tre được đeo ở bên hông.

Sau cả buổi lội bì bõm trong nước mới chỉ có thể kiếm được một mớ cá nhỏ cùng với ít tôm và nhiều nhất là tép. Tép được mang về đến nhà đổ ra rổ vẫn còn đang nhảy tí tách trước ánh mắt rạng ngời của lũ trẻ đang chờ có được một bữa ăn ngon.

Những bà nội trợ khéo tay thường chế biến các món ăn có thể ăn chung rất ngon với cơm độn khoai từ tép như: tép rang, canh khoai mì nấu tép hay tép xào dưa cải muối chua.

Món tép rang được chế biến khá đơn giản nhưng lại đậm đà hương vị, luôn được rất ưa thích trong bữa cơm gia đình. Sau khi rửa sạch tép để cho ráo nước thì trộn đều với ít muối xay nhuyễn. Cho một ít dầu phộng vào chảo rồi đun sôi, sau đó cho hành tím thái nhuyễn vào đảo đến khi bốc mùi thơm thì cho tép vào chảo, thêm một vài lát ớt và dùng đũa đảo đều.

Khi nước trong chảo dần cạn thì cho thêm một ít đường, đảo cho phần tép ngấm đều rồi nhấc xuống khỏi bếp. Đợi tép vừa mới nguội thì lại nhấc chảo lên bếp và nhỏ lửa đến khi tép chuyển sang màu sẫm thì cho thêm ít tiêu xay nhuyễn là chúng ta đã có món tép rang đậm đà hương vị.

Thịt tép ngọt và săn chắc cùng với lớp vỏ cứng được rang giòn lẫn với vị mặn của muối, vị ngọt từ đường và một chút tê cay của tiêu và ớt. Những hương vị đó lưu mãi nơi đầu lưỡi, con trẻ líu ríu đưa chén xin thêm cơm để ăn cùng. Món tép rang tuy dân dã nhưng lại rất đậm đà cùng với vị ngọt bùi từ cơm gạo phảng phất hương vị đồng quê.

Nhiều người dân quê tôi thường bảo nhau rằng: Tép xào dưa cải vừa dai lại giòn, có ăn cùng cơm trộn củ cũng thấy ngon.

Hũ dưa cải muối chua thường là những hình ảnh rất quen thuộc trong bếp của những người dân quê, có mùi thơm đặc trưng của món ăn dân dã này mỗi khi mở nắp. Sau khi vớt dưa cải chua ra khỏi hũ thì rửa qua với nước cho sạch rồi vắt nhẹ tay cho ráo nước. Sau khi ráo nước thì cho vào chảo dầu phộng đã nóng ở trên bếp cùng với một ít muối.

Tiếp đến là cho phần tép đã được rửa sạch vào rồi dùng đũa đảo đều, nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Khi dưa cải chua vừa chín tới và tép đã chuyển sang màu nâu đỏ thì cho thêm vào một ít tiêu đã xay nhuyễn và dùng đũa đảo nhẹ là hoàn thành món ăn rồi. Cho ra đĩa và thưởng thức cùng với gia đình thôi.

Bữa cơm gia đình đã càng thêm ấm cúng với một đĩa tép xào dưa cải vừa giòn lại vừa thơm ngon. Vị chua của dưa và sự bùi bùi của tép được nêm nếm gia vị vừa ăn tạo cảm giác khó quên. Ăn cùng với chén cơm gạo lúa mới dường như ngọt bùi và thơm ngon hơn thường ngày.

Và những bậc cao niên ở quê hương tôi không phải ngẫu nhiên mà thường ngân nga khi được thưởng thức món canh khoai mì nấu tép.:

“Ai ơi nhớ lấy khoai mì

Nấu canh với tép biết gì ngon hơn?”

Khoai mì bóc vỏ, rửa sạch rồi dùng dao thái mỏng, ngâm trong nước khoảng mười phút rồi lại vớt ra để ráo. Làm nóng dầu ăn rồi cho hành tím thái mỏng vào đảo đến khi thơm rồi cho tép cùng với gia vị: muối, đường và bột ngọt vào nấu chung đến khi tép vừa chín tới. Cho nước sôi cùng với khoai mì đã được thái lát vào nấu thêm khoảng mười phút.

Nêm nếm thêm gia vị sao cho vừa ăn rồi thêm một ít hành lá thái nhỏ vào nồi và đưa ra khỏi bếp, rắc thêm ít tiêu xay nhuyễn thế là đã có món canh khoai mì nấu tép với hương vị thanh đạm và ngọt lành. Vị bùi bùi của khoai mì được hòa quyện với vị ngọt của tép cùng hương thơm của hành lá và các gia vị thì khi thưởng thức món ăn “mềm môi, ngọt lưỡi”, như tan trong miệng…

Ngày nay càng ngày càng ít có những người vất vả khom lưng nhủi tép trên đồng. Nhiều hộ nông chuyển sang đặt giàn đăng nò nơi đầm nước để bắt tép rồi mang bày bán ở những phiên chợ quê. Tôi đã có dịp theo chân người bạn đi dỡ đăng nò bắt tép trên đầm Lâm Bình (Đức Phổ, Quảng Ngãi) vào một đêm khuya giá lạnh.

Gần 3 giờ sáng, tôi cùng với anh bạn đi bộ hơn 1km để đến bờ đầm rồi vội đẩy chiếc ghe nhỏ xuống nước. Chân tôi đã giật thót như chạm phải sự băng giá khi lội trong nước lạnh.

Sau hơn 20 phút chèo ghe, anh bạn tôi đã lội xuống nước kiểm tra và đổ tép cùng với những con cá nhỏ trong nò vào chiếc rổ . Về đến nhà, mẹ anh vội vàng mang mớ tép tươi rói đó đến phiên chợ sớm trong những cơn gió se lạnh để sẻ chia những tinh hoa của đồng quê.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  +  12  =  16

0916009788
challenges-icon chat-active-icon